2-       Theo bức thông điệp thì "Đấng Cứu Chuộc Nhân Loại" là ai?         

            Giáo Hội phải hướng về "Đấng Cứu Tinh Nhân Loại" trong thời điểm một mùa vọng mới của Giáo Hội, là vì, trong dự án cứu rỗi của Thiên Chúa và theo công cuộc cứu rỗi của Thiên Chúa, "Đấng Cứu Chuộc Nhân Loại là Chúa Giêsu Kitô, trung tâm điểm của vũ trụ và của lịch sử" (đoạn 1, đây là câu mở đầu cho cả bức thông điệp) 


"Đấng Cứu Chuộc Nhân Loại" là Chúa Giêsu Kitô, trung tâm điểm của vũ trụ:

            "Đấng Cứu Chuộc của thế gian! Nơi Người tỏ hiện, bằng một đường lối mới mẻ và tuyệt vời hơn, chân lý nền tảng liên quan đến việc tạo dựng mà Sách Khởi Nguyên chứng tỏ qua những lần lập đi lập lại: 'Thiên Chúa thấy nó tốt lành' (đoạn 1). Sự tốt lành bắt nguồn nơi Đức Khôn Ngoan và Tình Yêu Thương. Nơi Chúa Giêsu Kitô, thế giới hữu hình mà Thiên Chúa dựng nên cho con người (x.Gen 1:26-30), một thế giới mà khi tội lỗi đột nhập 'đã lụy thuộc vào sự hư hoại' (Rm 8:20, x.Rm 8:19-22), phục hồi được mối liên hệ với nguồn mạch thần linh nguyên thủy của Đức Khôn Ngoan và của Tình Yêu Thương...

            "Khi phân tách một cách sâu xa 'cái thế giới tân tiến này', Công Đồng Chung Vaticanô II đã tiến đến một điểm quan trọng nhất của thế giới hữu hình, đó là con người, bằng cách, như Chúa Kitô, tiến sâu vào ý thức con người và bằng cách chạm đến mầu nhiệm nội tại của con người, cái mà ngôn ngữ thánh kinh cũng như không phải thánh kinh đã diễn tả bằng chữ 'trái tim'. Đức Kitô, Đấng Cứu Chuộc thế gian, là Đấng đã thấu nhập vào mầu nhiệm của con người một cách đặc thù và dứt khoát, cũng như Người đã đi vào 'tâm can' của họ. Bởi thế, Công Đồng Vaticanô II đã có lý khi dạy rằng: 'Sự thật đó là chỉ có ở nơi mầu nhiệm của Lời Nhập Thể mà mầu nhiệm của con người mới được sáng tỏ. Vì Adong, con người đầu tiên, kiểu mẫu của Đấng phải đến (Rm 5:14) là Chúa Kitô. Chúa Kitô, một tân Adong, trong việc mạc khải mầu nhiệm về Cha và về tình yêu của Cha, đã hoàn toàn tỏ cho con người biết về chính con người họ và làm sáng tỏ ơn gọi cao cả nhất của con người'. Công Đồng tiếp: 'Đấng là hình ảnh của Thiên Chúa vô hình (Col 1:15), tự Mình là một con người hoàn hảo, Đấng đã phục hồi nơi giòng dõi Adong cái tương tự giống như Thiên Chúa đã từng bị nguyên tội làm biến dạng đi. Bản tính loài người, nhờ được mặc lấy chứ không bị mất đi trong Người, đã được nâng lên nơi chúng ta tới một phẩm vị khôn sánh. Vì, nhờ Việc Nhập Thể của Người, Người, là Con Thiên Chúa, một cách nào đó, đã hiệp nhất mình với mỗi một người. Người đã làm việc với đôi tay nhân loại, Người đã suy nghĩ với trí khôn nhân loại. Người đã tác động với ý muốn nhân loại, và Người đã yêu thương với trái tim nhân loại. Được sinh hạ bởi Trinh Nữ Maria, Người thực sự là một ngưòi trong chúng ta, giống như chúng ta trong mọi sự ngoại trừ tội lỗi' (Gaudium et Spes, đoạn 22). Người là Đấng Cứu Chuộc Nhân Loại". (đoạn 8). 

Đấng Cứu Chuộc Nhân Loại là Chúa Giêsu Kitô, trung tâm điểm của lịch sử

          "Chúng ta, một cách nào đó, cũng đang ở trong một Mùa Vọng mới, một mùa đợi trông: 'Xưa kia, bằng nhiều thể nhiều cách, Thiên Chúa đã nói với cha ông chúng ta qua các vị tiên tri; nhưng trong những ngày sau hết này Ngài đã nói với chúng ta qua Người Con...' (Heb 1:1-2), Người Con đó là Lời của Ngài, Đấng làm người, được sinh ra bởi Trinh Nữ Maria. Hành động cứu chuộc này đã đánh dấu một điểm son nơi lịch sử loài người trong dự án yêu thương của Thiên Chúa. Thiên Chúa đã đi vào lịch sử nhân loại, và như là một con người, Ngài đã trở nên một người đi làm lịch sử này (an actor in that history), một người trong muôn ngàn triệu triệu con người, song đồng thời cũng Chuyên Biệt (Unique)! Qua việc Nhập Thể, Thiên Chúa đã ban cho sự sống con người một chiều kích mà Ngài đã định ban cho con người ngay từ ban đầu: Ngài đã ban cho họ chiều kích này một cách dứt khoát - bằng một đường lối dành riêng cho một mình Ngài mà thôi, hợp với tình yêu và lòng thương vĩnh hằng của Ngài, hợp với niềm tự do của Thiên Chúa - và Ngài đã cũng ban nó bằng một lòng bao dung để chúng ta, khi xét đến nguyên tội và suốt giòng lịch sử tội lỗi của nhân loại, cũng như xét đến những lầm lẫn của trí khôn con người, ý muốn và con tim của mình, có thể bồi hồi lập lại những lời của phụng vụ thánh: 'Ôi lỗi lầm diễm phúc (happy fault)... đã làm cho chúng ta được một Đấng Cứu Chuộc cao cả như vậy' (Tụng ca Lễ Vọng Phục Sinh)..." (đoạn 1).

            "Thập giá trên đồi Canvê mà Chúa Giêsu Kitô - một Con Người, Con của Trinh Nữ Maria, được nghĩ là con của Giuse Nazarét - 'để lại' cho thế giới này, cũng là một biểu hiện mới mẻ về tình phụ tử đời đời của Thiên Chúa, Đấng mà trong Người, một lần nữa, đến gần nhân loại, gần với mỗi một con người, khi ban cho Người 'Thần chân lý' (Jn16:13) ba lần thánh.

            "Việc mạc khải này của Cha và việc tuôn đổ Thánh Linh để đóng một niêm ấn không phai nhòa trên mầu nhiệm cứu chuộc đã nói lên ý nghĩa của cây thập giá và cái chết của Đức Kitô. Vị Thiên Chúa của việc tạo dựng được mạc khải như là một Vị Thiên Chúa của việc cứu chuộc, như Vị Thiên Chúa 'trung tín với chính mình' (1Thes 5:24), cũng như trung tín với tình yêu thương của Ngài đối với nhân loại và thế gian, một tình yêu Ngài đã mạc khải vào ngày tạo dựng. Tình yêu của Ngài là một tình yêu không rút lui trước bất cứ một cái gì đòi Ngài phải dùng đến phép công thẳng. Bởi thế, 'vì chúng ta, (Thiên Chúa) đã làm cho Người (Con) là Đấng không biết đến tội lỗi thành tội lỗi' (2Cor 5:21; x.Gal 3:13). Nếu Người 'thành tội lỗi', Người là Đấng không bao giờ có một tội lỗi nào, thì tỏ ra rằng tình yêu luôn luôn cao trọng hơn tất cả tạo vật, một tình yêu là chính Mình Người, vì 'Thiên Chúa là tình yêu' (Jn 4:8,16). Trên tất cả mọi sự, tình yêu vĩ đại hơn cả tội lỗi, hơn cả yếu đuối, hơn cả 'tình trạng hư hoại của tạo vật' (Rm 8:20); nó mạnh hơn cả sự chết; nó là một tình yêu luôn luôn sẵn sàng để nâng cao và tha thứ, luôn luôn sẵn sàng để đi gặp người con hoang đàng (x.Lk 15:11-32), luôn luôn mong đợi 'cuộc thể hiện của con cái Thiên Chúa' (Rm 8:18) là thành phần được kêu gọi 'đến vinh quang sẽ được tỏ hiện' (Thánh Tomas tiến sĩ). Việc mạc khải của tình yêu này cũng được diễn tả như mạc khải của lòng thương xót; và trong lịch sử của con người, mạc khải của tình yêu và lòng thương xót này đã mặc một hình thức và mang một danh hiệu: đó là Giêsu Kitô" (đoạn 9)

            "Con người không thể nào sống mà không yêu thương. Họ mãi là một hữu thể không hiểu được mình, đời sống của họ vô nghĩa, nếu tình yêu không tỏ hiện cho họ thấy, nếu họ không gặp gỡ tình yêu, nếu họ không cảm nghiệm được nó và làm cho nó thành của mình, nếu họ không mật thiết liên kết với nó. Đó là, như đã nói đến, lý do tại sao Đức Kitô Đấng Cứu Chuộc 'hoàn toàn tỏ cho con người biết về chính con người họ'. Nếu chúng ta cần diễn tả, thì đây là chiều kích nhân loại của mầu nhiệm của việc cứu chuộc. Trong chiều kích này, con người, một lần nữa, tìm được sự cao cả, phẩm vị và giá trị thuộc về nhân tính của họ. Nơi mầu nhiệm của việc cứu chuộc, con người được 'thể hiện' một cách mới mẻ, và, một cách nào đó, được tạo dựng một cách mới mẻ. Con người được tạo dựng một cách mới mẻ! 'Không còn Do Thái hay Hy Lạp, nô lệ hay tự do, nam hay nữ; vì anh em tất cả là một trong Đức Giêsu Kitô' (Gal 3:28). Con người muốn hiểu mình hoàn toàn - không chỉ hợp với những tiêu chuẩn và mức độ trực tiếp, bán phần, thường nông cạn, hay ảo tưởng về hữu thể mình - họ phải đến gần Chúa Kitô, với nỗi khắc khoải và lo âu của họ, cả với nỗi yếu đuối và tội lỗi của họ, với sự sống và cái chết của họ. Như thế, họ phải vào trong Người với tất cả cái tôi riêng của họ, họ phải 'thích hợp' và đồng hóa với toàn thể thực tại của mầu nhiệm Nhập Thể và Cứu Chuộc để tìm thấy chính mình. Nếu tiến trình sâu xa này xẩy ra nơi họ, thì họ mới sinh hoa trái, chẳng những nơi việc tôn thờ Thiên Chúa, mà còn nơi cả sự bỡ ngỡ lạ lùng về mình nữa. Con người qúi hóa là chừng nào trước mắt của Hóa Công, khi họ 'được một Đấng Cứu Chuộc cao cả như vậy' (tụng ca Lễ Vọng Phục Sinh), và khi Thiên Chúa 'đã ban Con duy nhất của mình' để con người 'không phải chết nhưng được sự sống đời đời' (Jn 3:16).

            "Trong thực tế, danh hiệu làm chúng ta bỡ ngỡ lạ lùng ở nơi giá trị và phẩm vị của con người đó là Phúc Âm, nghĩa là: Tin Mừng. Nó cũng được gọi là Kitô giáo. Sự bỡ ngỡ lạ lùng này, còn là một niềm xác tín và chân thực - nơi những gốc rễ sâu xa nhất của nó, nó cũng là sự chân thực của đức tin, song trong một đường lối kín đáo và huyền nhiệm, nó làm sống động mọi phương diện nhân bản đích thực - gắn liền với Chúa Kitô. Nó cũng sửa lại vị thế của Chúa Kitô - tức quyền lợi công dân riêng biệt của Người - trong lịch sử của con người (man) và của nhân loại (mankind)..." (đoạn 10).